Sản xuất Em bé Hà Nội

Phát triển

Ở Khâm Thiên, Mỹ ném bom rải thảm, gần như diệt từng thước đất. Mình nhìn thấy sự bi thương, nhưng có lẽ chỉ thế thì chưa đủ để tạo cho mình cảm xúc làm phim. Tôi gặp những người vừa mất con lại cưu mang các em bé mồ côi, nuôi nấng như con của mình. Tôi thấy đó là tình yêu thương vô bờ, hay là sức mạnh của người hậu phương. Nếu không có những con người như thế thì làm thế nào những chiến sỹ ở mặt trận yên tâm chiến đấu. Từ hình ảnh những đứa trẻ ấy, và hình ảnh tấm lòng của người Hà Nội ấy, xuất hiện trong tôi ý nghĩ: "Nhất định phải làm phim này, phải làm phim Em bé Hà Nội".

Hải Ninh[12][13]

Đạo diễn của bộ phim là Hải Ninh. Tác phẩm do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất.[7][14] Hải Ninh từng chia sẻ động lực thôi thúc ông làm phim xuất phát từ khi ông đang làm khâu hậu kỳ cho bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, trùng với những ngày của chiến dịch Linebacker II. Cả hãng phim nơi ông làm đã đi sơ tán, nhưng chỉ có đoàn phim của ông là ở lại;[15][16] vì vậy, ông trở thành người tận mắt chứng kiến nhiều trận thả bom và còn từng đi qua phố Khâm Thiên giữa hàng dãy người chết nằm sát nhau.[13] Tại đây, ông nhặt được một mẩu báo, với nội dung viết về một cô công nhân làm tại nhà in đã liều mình cứu những đứa bé trong nhà trẻ sau khi bị bom rơi trúng lớp, nhưng con của cô lại chết vì bom, khiến ông thầm nhủ sẽ phải làm bộ phim về câu chuyện mà ông cho là "nỗi đau khôn cùng" này; ông cũng coi tác phẩm "như một nén nhang tưởng niệm linh hồn những người đã khuất".[lower-alpha 1] Cùng lúc này, đồng nghiệp và bạn của Hải Ninh, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, trước đó từng hợp tác với đạo diễn qua Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, đã được Tuệ Minh, về sau là một diễn viên trong đoàn phim, kể lại chuyện con bà tự xách cây đàn đi bộ từ Yên Viên về Hà Nội để tìm mẹ dưới những tàn tích từ các "vệt bom" B-52. Câu chuyện này đã tác động mạnh đến ông; cả biên kịch Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Hải Ninh sau đó đã ngồi lại với nhau bàn về ý tưởng cho ra đời bộ phim.[15][17][18] Tuy nhiên, mới đầu khi Hải Ninh tìm đến chỗ sơ tán hãng phim và gặp Tích Chỉ, ông từng bị bạn mình phản đối và khuyên Hải Ninh nên nghỉ ngơi, nhưng Hải Ninh từ chối, thúc giục ông cùng hợp tác vì ý tưởng đang tuôn trào.[13]

Phần kịch bản phim do Hoàng Tích Chỉ, đạo diễn Hải Ninh và Vương Đan Hoàng chắp bút,[11][19][20] trong khi chiến tranh vẫn đang tiếp diễn.[21] Hoàng Tích Chỉ cùng Hải Ninh và Đan Hoàng đã mất ba đêm trắng ở nơi sơ tán để hoàn thành kịch bản phim,[18] trong đó Hải Ninh kể hết lại những gì mình thấy ở Hà Nội và sau đó Tích Chỉ đưa vào kịch bản.[13] Tên kịch bản ban đầu có tên là Em bé An Dương, nhưng sau đó được chuyển thành Em bé Khâm Thiên; vì cho rằng cái tên này vẫn chưa đủ tính tiêu biểu, phim đổi tên lần thứ ba thành Em bé Hà Nội.[8][11]

Tuyển vai

Ngay sau khi kế hoạch thực hiện bộ phim được khởi động, đã có rất nhiều người tham gia ứng tuyển vào vai với tâm thế háo hức vì muốn lên án tội ác chiến tranh.[7][15]

Để tìm diễn viên chính cho phim, đạo diễn Hải Ninh đã phải dành ra suốt ba tháng đến các câu lạc bộ thiếu nhi, trường học và theo dõi những em học sinh trên đường nhưng ông vẫn chưa thể tìm được người phù hợp. Thế nhưng, trong một giấc mơ,[8][15] ông vô tình nhớ đến cuộc trò chuyện với Lan Hương vài năm trước và sau đó tìm đến nhà bà để xin cho đi diễn; lúc này bà mới 10 tuổi,[8][11][22] đánh dấu vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất của nữ diễn viên.[7] Dù vậy, mẹ bà lại phản đối kịch liệt đề nghị của Hải Ninh và không đồng ý cho bà đi diễn bởi không muốn con gái làm nghệ thuật quá sớm và cả vì sức khỏe của bà lúc ấy.[23] Sau khi nghe Hải Ninh thuyết phục, mẹ Lan Hương đã cho Lan Hương đi thử vai với tâm thế rằng con sẽ bị rớt vai, nhưng đến cuối cùng buổi thử vai thành công và Lan Hương được giao vai chính trong phim. Lúc này, mẹ của Lan Hương vẫn nhất quyết không đồng ý cho con mình đi đóng phim nên đã nghĩ ra cách cắt đi mái tóc dài của con đến còn ngang vai để có lý do từ chối tham gia phim. Tuy mái tóc của Lan Hương đã bị cắt ngắn và khác với những ấn tượng ban đầu của Hải Ninh về nhân vật, một thời gian sau ông vẫn tiếp tục đến thuyết phục mẹ Lan Hương, bất chấp cả sự phản đối từ mẹ bà, để đóng phim, thậm chí còn tuyên bố sẽ chờ tóc của Lan Hương dài ra thì đóng tiếp. Lan Hương cũng nhịn ăn với mục đích chống đối lại quyết định của mẹ. Sau này, phải đến khi ông Trần Duy Hưng, nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đích thân viết thư tay gửi bà về việc đóng phim, mẹ của Lan Hương mới thay đổi quyết định và cho Lan Hương tham gia nhưng với điều kiện đây sẽ là bộ phim duy nhất mà Lan Hương diễn. Điều này cũng lý giải vì sao trong phim bà để mái tóc ngắn dù lúc đó hình tượng những bé gái đầu đội mũ rơm, tết tóc hai bên đã khắc sâu vào tâm trí mọi người thời điểm bấy giờ.[8][11][24]

Nhân vật chú sĩ quan trong phim do diễn viên Thế Anh đảm nhận. Đây là một vai diễn mới lạ với ông, khác những bộ phim truyện nổi tiếng mà ông từng vào vai phản diện như Nổi gió, Trở lại Sam Sao,... Vì vậy, để hóa thân thành nhân vật này, ông đã đi thực tế một đơn vị tên lửa ở Chèm nhằm có trải nghiệm chính xác nhất.[7][15] Tại đây, ông được Tiểu đoàn trưởng của đơn vị là ông Tiếp dạy từ cách đi đứng, thao tác đến hô khẩu lệnh của người chỉ huy để ra dáng một người lính chững chạc nhưng đồng thời "toát lên tinh thần nhân văn" ở nhân vật.[17] Trà Giang cũng góp mặt vào một vai chính của bộ phim.[7] Trước đó, bà từng nổi tiếng khi khắc họa hình tượng người phụ nữ trong Chị Tư Hậu và Vĩ tuyến 17 ngày và đêm;[7] thời điểm này bà vừa sinh con gái đầu lòng, Hoàng Tích Chỉ đã đến thăm tận nhà bà và "tặng" cho bà kịch bản như là lời mời tham gia bộ phim.[21] Đạo diễn Hải Ninh cho biết, ngay khi đọc kịch bản phim, Trà Giang đã đồng ý nhận lời đóng phim mặc dù số tiền thù lao rất ít ỏi.[7][25]

Quay phim

Quá trình ghi hình bộ phim diễn ra trong hai tháng, tháng 6 và tháng 7 năm 1973, chỉ nửa năm sau khi chiến dịch Linebacker II kết thúc.[11][15][26] Phim được ghi hình dưới dạng phim đen trắng theo phong cách phim tài liệu kết hợp cùng những cảnh tư liệu và cảnh cận tả sự tàn phá của chiến tranh đối với thành phố.[27] Em bé Hà Nội chọn bối cảnh ngay tại những địa điểm cũ từng bị đánh bom, lúc này còn hoang tàn và chưa được khôi phục, trong đó có cả những cảnh thực hiện ở phố Khâm Thiên và trên các hố bom thật chưa bị lấp đi sau chiến dịch.[7][15] Chịu trách nhiệm quay phim là nghệ sĩ Trần Thế Dân;[15] trước đó ông từng sinh sống tại khu phố Khâm Thiên, nhưng ông đã kịp sơ tán gia đình trước thời điểm thả bom.[28] Thực hiện các hoạt cảnh trong phim là Xưởng phim hoạt hình Việt Nam.

Hồ Thiền Quang đã được chọn làm một trong những đại cảnh của bộ phim

Có nhiều cảnh bom đạn xuất hiện trong bộ phim và có diễn viên đã bị thương ở điểm quay: tại một cảnh đánh bom, diễn viên Kim Xuân đã bế nhân vật chính của phim là Ngọc Hà (Lan Hương) xuống hầm trú ẩn rồi nằm đè lên để bảo vệ em khỏi bom đạn; sau khi quay xong cảnh này, bà bị bỏng ở nhiều chỗ nhưng diễn viên Lan Hương thì không làm sao.[10] Dù còn bé nhưng diễn viên Lan Hương lúc đó cũng đã tự mình thực hiện nhiều cảnh quay khó và nguy hiểm trên phim. Bà từng tiết lộ có hai phân cảnh mà bà nhớ nhất, đó là một cảnh mà bà đi quanh những hố bom để tìm nhà; bà đã một mình đi ra khu vực hoang tàn, đổ nát và chỉ có một chiếc máy quay được treo ở trên một cái cần cẩu rất xa để ghi lại cảnh này. Cũng ở một đại cảnh của phim khi đoàn xe tên lửa tiến về Hà Nội, bà đã chạy song song với bánh xe trong khi một chiếc xe đang chạy; đây là cảnh quay rất nguy hiểm vì nếu không cẩn thận thì bà sẽ bị gặp tai nạn ngay lập tức. Trước đó, dù được đạo diễn Hải Ninh nhắc nhở là nếu thấy nguy hiểm thì có thể chạy bên mép đường, nhưng bà vẫn thực hiện đúng như kịch bản và suýt bị xe cán nếu không có diễn viên kịp thời chạy ra kéo lại. Tuy nhiên, may mắn đến cuối cùng bà đã hoàn thành cảnh phim và được khen ngợi bởi những người trong đoàn phim vì diễn "quá đạt".[8][11][17] Trong thời gian này, do bộ phim được quay ở thời tiết mùa hè nắng nóng mà bối cảnh phim lại là vào mùa đông, yêu cầu nhân vật phải mặc áo ấm nên bệnh hen của Lan Hương liên tục tái phát, nhưng bà luôn cố gắng thực hiện đầy đủ những phân cảnh được giao. Thậm chí, tại một cảnh quay ở hồ Thiền Quang, bà đã lên cơn hen nặng tại nhà và bị mẹ ngăn cản không cho đi quay; nhưng vì đây là một cảnh lớn, với hàng trăm chiếc xe ô tô cùng các diễn viên quần chúng đã được huy động, sẵn sàng cho cảnh quay nên Lan Hương lăn ra khóc đòi mẹ cho đi và bị mẹ bạt tai một cái để dọa. Mặc cho hành động đó, Lan Hương vẫn liên tục xin mẹ đi quay nên cuối cùng mẹ bà phải dẫn bà đến điểm quay thực hiện cảnh phim.[17][29]

Nhạc phim

Bài hát duy nhất xuất hiện trong phim là ca khúc "Em bé Hà Nội" do nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác và Hải Vân thể hiện.[30] "Em bé Hà Nội" ra đời cùng với chùm những sáng tác của ông viết cho nhiều bộ phim thuộc chủ đề chiến tranh trước đó như Khói trắng, Nổi gió. Ca khúc ban đầu được nhạc sĩ tốc ký vào tháng 1 năm 1973 trong quá trình ông đưa các con của mình từ nơi sơ tán ở Tuyên Quang về Hà Nội và đi qua cả phố Khâm Thiên sau khi chiến dịch thả bom kết thúc.[31][32] Ông cũng đảm nhận phần âm nhạc của phim.